Đến sáng nay, Ngân hàng cổ phần Nhà Habubank đang giữ kỷ lục về lãi suất huy động, khi mạnh tay trả cho khách gửi tiền các kỳ hạn 3-12 tháng tới 11,99% một năm. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn 1-3 tháng của Habubank cũng ở mức khủng so với mặt bằng chung: 11,5-11,7% một năm.
Biểu lãi suất mới của Habubank có hiệu lực từ chiều qua, vượt qua kỷ lục mà Ngân hàng cổ phần Việt Á công bố trước đó một ngày. Dự báo sẽ có không ít ngân hàng noi gương Habubank áp dụng mức lãi suất độc đáo 11,99%.
Cùng với Habubank, trong ngày hôm qua, hơn 10 ngân hàng khác đã thay biểu lãi suất mới, trong đó khối quốc doanh có 2 đại diện đầu tiên là Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam BIDV. Cả 2 ông lớn này đều tuân thủ nghiêm túc cam kết đưa ra trong các buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ổn định lãi suất huy động 11,5% trở xuống.
Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ như Đại Á bank, Western Bank, Ocean Bank hay VietBank thường đi đầu trong các cuộc đua lãi suất, nay tỏ ra dè dặt hơn, không quá 11,5%. Ngân hàng Tiên Phong công bố điều chỉnh trong sáng nay, song cũng chỉ để mức cao nhất là 11,5%.
Biểu lãi suất của các ngân hàng có sự phân hóa rõ nét. Với các ngân hàng thuộc chiếu trên (gồm cả quốc doanh và cổ phần quy mô lớn), lãi suất tăng dần từ kỳ hạn ngắn, lập đỉnh với kỳ hạn 12-13 tháng, sau đó giảm dần với các kỳ hạn 13 tháng trở lên. Trong khi đó, các ngân hàng quy mô nhỏ áp lãi suất tăng dần đều, tỷ lệ thuận với kỳ hạn gửi tiền.
"Thực ra không phải các ngân hàng chạy đua tăng lãi suất, mà họ chỉ minh bạch hóa lãi suất thực trả cho khách hàng", Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng trao đổi với VnExpress.net. Theo bà Hương, tiếng là trước đây phải huy động không quá 10,5%, nhưng phần lớn các ngân hàng đều khuyến mãi, thưởng thêm, đẩy lãi suất thực trả cho khách lên đến gần 12% một năm. Nay lãi suất theo cơ chế thị trường, các ngân hàng giảm dần việc khuyến mãi và công khai lãi suất thực trả cho khách.
"Các ngân hàng đang rất đồng lòng giảm dần lãi suất cho vay, vì vậy lãi suất huy động cũng sẽ không thể tăng cao mà có xu hướng giảm dần. 11,5% một năm là mức chấp nhận được với ngân hàng và rất hợp lý với người gửi tiền", bà Hương nói thêm.
Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) là đơn vị đầu tiên vượt rào lãi suất huy động. Tổng giám đốc Lý Xuân Hải cũng cho rằng ACB không tăng lãi suất mà chỉ công khai mức huy động tiết kiệm một cách minh bạch, khi thị trường đã đi vào ổn định và các định hướng chính sách trở nên rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, trong biểu lãi suất mới công bố, một số ngân hàng vẫn tiến hành khuyến mại, cộng thêm. Lãi suất cao nhất tại OceanBank từ 15/4 lên đến 11,49% một năm, song ngân hàng tuyên bố tiếp tục duy trì nhiều chương trình tiết kiệm tặng thưởng cho khách. Còn tại Việt Á Bank, đối với những khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất thưởng từ 0,03% đến 0,1% một năm.
Thị trường ngân hàng những ngày đầu tháng tư trở nên sôi động sau khi Chính phủ chấp thuận mở rộng cơ chế lãi suất thỏa thuận với cả các khoản vay ngắn hạn, mở đường cho việc tự do hóa lãi suất theo cung cầu thị trường. Các ngân hàng chạy đua công bố chính sách lãi suất mới, theo hướng công khai hơn các khoản lãi thực trả cho khách gửi tiền và thực thu với khách vay.
Trước đó các ngân hàng phải tuân thủ quy định của Bộ Luật Dân sự, ấn định lãi suất kinh doanh không quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Thực tế do cung cầu vốn trên thị trường thay đổi, có giai đoạn các ngân hàng lách luật bằng cách cộng thêm phí cho vay, đẩy lãi suất thực tế cao hơn nhiều mức trần quy định. Lãi suất huy động, dù đã bị khống chế, cũng được đẩy cao hơn thông qua các hình thức khuyến mại, tặng thưởng.
Song Linh
(Nguồn theo vnexpress.net)